Front End là gì? Để theo mảng Front End thì các lập trình viên cần thành thạo những kỹ năng gì? – Đây là câu hỏi được nhiều bạn sinh viên, những người mới bước chân vào ngành lập trình đều muốn tìm hiểu. Tùng Phát sẽ cùng các bạn giải đáp tất cả thắc mắc về Front End qua bài viết dưới đây
Trước khi bắt đầu thì xin chia sẻ với các bạn rằng, lĩnh vực này có rất nhiều mảng nhỏ, mỗi mảng có rất nhiều công việc từ đó hình thành nhiều chức danh nghề nghiệp riêng trong một quy trình thiết kế Website chuyên nghiệp. Tốt nhất là bạn nên tìm hiểu tổng quan trước tất cả và sau đó chọn cho mình 1 hướng đi duy nhất và có thể phát triển dần từ đó, tránh trường hợp lan man và muốn ôm hết tất cả ở giai đoạn sớm nhé.
Front End là gì?
Front End hay lập trình Front End là một thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm các công việc mà người thực hiện phải thành thạo các công nghệ hỗ trợ như HTML, CSS, Javascript,.. để phục vụ việc thiết kế, tạo lập và phát triển phần giao diện của một sản phẩm Website, Ứng dụng Mobile, hay bất kì phần mềm nào khác.
Phân biệt với BackEnd là phần phía sau điều khiển Website mà người dùng không nhìn thấy. Front End đảm nhiệm tất cả những gì mà người dùng có thể nhìn thấy và tương tác.
Có nên học và theo đuổi nghề Front End Developer không?
Trước tiên bạn phải biết những công việc thường ngày của một lập trình viên giao diện là gì, dưới đây là các công việc bạn có thể tham khảo:
- Thiết kế giao diện web/ứng dụng dựa trên các ngôn ngữ lập trình khác nhau.
- Duy trì và cải thiện giao diện người dùng trang web/ứng dụng.
- Nghiên cứu và phát triển tính năng mới
- Để xuất các cải thiện giao diện cho sản phẩm Web/App
- Tối ưu hóa giao diện của ứng dụng/trang web để đạt được hiệu suất tốt hơn
- Khắc phục và sửa chữa những lỗi/bug phát sinh
- Theo dõi hoạt động của trang web, xác định các vấn đề và xử lý nhanh chóng
- Đảm bảo rằng giao diện Website hiển thị ổn định, đáp ứng trải nghiệm cho người dùng
Qua các công việc trên bạn có thể thấy những đặc điểm công việc như sau, việc học kiến thức lập trình Front End chỉ áp dụng trong giai đoạn đầu khi tạo lập và phát triển ra sản phẩm. Còn lại là các công việc theo dõi và sửa chữa, khắc phục lỗi.
Chính vì vậy, khác với BackEnd, các lập trình viên Front End thường sẽ hoạt động ở các công ty dịch vụ để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp. Hoặc sẽ ứng tuyển vào một công ty lớn thì kỹ năng và kiến thức của bạn mới được phát triển và khai thác tốt. Vì đa số các công ty vừa và nhỏ sẽ chỉ duy trì vị trí Backend để quản trị hệ thống và sẽ OutSource các công việc phát triển giao diện ra bên ngoài.
Đó là một vài lưu ý về vị trí công việc, còn về lương và các chế độ hỗ trợ, môi trường làm việc thì chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều, không thua các vị trí khác của ngành công nghệ.
Chính vì vậy nếu bạn muốn theo đuổi cơ hội phát triển mảng Front End thì không có gì phải lo lắng, cứ tập trung và hướng về phía trước nhé
Những kỹ năng và kiến thức của một Front End Developer giỏi
Kỹ năng chuyên môn
HTML & CSS
HTML và CSS là hai ngôn ngữ cơ bản nhất để xây dựng nên giao diện của một website. Trong hiện tại và tương lai gần thì đây vẫn là 2 ngôn ngữ phổ biến và mạnh mẽ nhất, những công nghệ mới cũng được phát triển từ 2 ngôn ngữ này như HTML5 hay các thư viện như Bootstrap.
JavaScript
Cùng với HTML và CSS, Javascript đã trở thành một phần khó thay thế trong việc xây dựng giao diện website. Là ngôn ngữ lập trình kết hợp với HTML và CSS dùng để tạo ra đa dạng các hiệu ứng và tính năng
Thư viện jQuery và Bootstrap
jQuery và Bootstrap là những thư viện đầy tiện ích và sức mạnh để hỗ trợ cho công việc lập trình Front End dễ dàng và năng suất hơn. Thư việc giống như một bộ quy tắc và tập lệnh có sẵn, sẵn sàng để có thể sử dụng
Kiến thức về framework của JavaScript
Trong Javascript, tồn tại những “bộ khung” được tạo nên từ các đoạn code, thư viện nhằm tối giản công sức phát triển ứng dụng. Những bộ khung như vậy đó được gọi là framework, một số framework phổ biến như AngularJS, Backbone, Ember, ReactJS
CSS Preprocessors
CSS Preprocessors – hay còn gọi là “ngôn ngữ tiền xử lý CSS” ra đời với nhiệm vụ logic và cấu trúc hóa các đoạn mã CSS để cho CSS dần dần đạt được các tiêu chí cần thiết để được gọi là ngôn ngữ lập trình. Việc sử dụng CSS Preprocessors giúp tối ưu thời gian code, dễ dàng trong việc phát triển và bảo trì sản phẩm Web/App khi mã đã được cấu trúc một cách rõ ràng và rành mạch.
Responsive và giao diện trên đa thiết bị
Thiết kế giao diện thích ứng trên nhiều loại kích thước màn hình và thiết bị là kỹ năng cơ bản và là yêu cầu bắt buộc của các sản phẩm Website thời nay. Đặc biệt là giao diện Website trên điện thoại di động còn được chú trọng phát triển hơn trên máy tính vì nhu cầu của người dùng
Kiến thức bổ sung
UI/UX
UI UX là cách gọi tắt của User Interface (Giao diện người dùng) và User Experience (Trải nghiệm người dùng). Nếu bạn đã biết đến quy trình xây dựng một Website thì bạn sẽ hiểu UX/UI là công đoạn thiết kế toàn bộ cấu trúc và giao diện màu sắc dạng tĩnh của Website trên giấy (thực ra là trên phần mềm vẽ).
Thực tế thì ở các công ty lớn và chuyên nghiệp thì sẽ có đội ngũ với chuyên môn riêng là UX/UI Designer đảm nhận công việc này. Tuy nhiên bạn cũng cần phải biết, phải hiểu không sâu thì cũng phải nắm phần cơ bản để có thể trao đổi với đội này.
Vì nếu bạn chỉ nhận bản thiết kế và làm theo y chang thì bạn sẽ khó phát triển những kỹ năng, và chúng tôi thường gọi là “Công nhân lập trình”. Tức là chỉ làm theo bản thiết kế mà không hiểu tại sao phải làm như vậy.
Kỹ năng giải quyết và xử lý vấn đề
Đối với Developer thì việc phát sinh lỗi/bug là điều hoàn toàn bình thường, đó chính là lý do luôn có bộ phận kiểm thử trước khi vận hành sản phẩm. Điều quan trọng là bạn phải biết cách xử lý nhanh chóng khi phát sinh vấn đề, phải tìm cho ra vấn đề và xử lý triệt để.
Làm việc với hệ thống quản lý nội dung (CMS)
Phần lớn các website vừa và nhỏ hiện nay đều xây dựng trên hệ thống CMS, điển hình nhất là WordPress, chính vì vậy việc tập làm quen với hệ thống này không hề thừa thãi. Biết đâu một ngày nào đó công việc của bạn yêu cầu bạn phải thiết kế bằng việc kéo thả thì sao.
Vậy là bạn đã nắm được Front End là gì cùng với đó là những kỹ năng cần thiết để có thể phát triển, đi xa và đi lâu trong ngành. Như đã nói, hãy tập trung vào một lĩnh vực cụ thể và làm chủ nó, khi đã đủ giỏi một việc thì bạn có thể phát triển thêm những kỹ năng khác để nâng cấp bản thân.